Chương 14 : Đạo sĩ và đầu bếp
"Tên hòa thượng kia có võ nghệ, chúng ta thì có thể giúp được gì đây?" Lão Ngũ liền cho rằng Mạc Vấn đang muốn đi tìm vị tăng nhân trẻ tuổi đã cứu mạng hai bọn họ từ trong tay cường đạo.
"Không phải vị tăng nhân kia, người ta muốn tìm là vị anh hùng đã để thịt hươu lại cho chúng ta, hắn cũng tới Vô Lượng Sơn." Mạc Vấn quay người đi về hướng Tây. Mấy ngày nay ở trong thành, hắn vô tình nghe người ta nói rằng Vô Lượng Sơn nằm ở Mẫn Châu cách Nghiệp Thành khoảng 200 dặm.
"Ngươi định mang lộ phí cho hắn?" Lão Ngũ đi theo hỏi.
"Hẳn là hắn đã mang theo lộ phí rồi, nhưng vị anh hùng này không biết chữ, ta muốn đi xem mình có giúp được gì không." Mạc Vấn trả lời, thánh nhân có câu có đi mà không có lại là phi lễ, chịu ân huệ của người thì phải báo đáp (1) chỉ có kẻ tiểu nhân mới không biết báo ân.
Lão Ngũ nghe vậy liền gật đầu, nhẹ nhõm đi theo Mạc Vấn, chỉ cần lão gia không tìm Lâm Nhược Trần thì đi đâu cũng được.
Sau khi ra khỏi thành, hai người đi một mạch về phía Tây. Lão Ngũ lại không chịu được im lặng mà hỏi Mạc Vấn về lai lịch vị anh hùng kia. Mạc Vấn chỉ nói qua loa, nếu hắn nói thật Lão Ngũ nhất định sẽ ngăn hắn đi đến Vô Lượng Sơn.
Mạc Vấn biết pháp hội sẽ cử hành vào ngày mười lăm tháng Giêng nên để đến kịp lúc, hai người một đường này đều là chạy nhanh. Sau một ngày là tới ranh giới Mẫn Châu. Mạc Vấn hỏi đường một phen, biết được vị trí đại khái của Vô Lượng Sơn là ở Tây Nam Mẫn Châu.
Càng đi về phía trước, lòng Mạc Vấn càng thêm nghi hoặc. Đây là một con đường làng không được rộng lớn, người đi đường cũng không có mấy, ngẫu nhiên có người đi qua cũng đều mặc đồ nông dân, không giống người từ xa đến. Hắn biết Thượng Thanh phát ra mộc bài có đến hơn một vạn, mà xem tình hình này thì người đến cũng thật ít ỏi.
Mạc Vấn âm thầm nghi ngờ, chợt hắn phát hiện cánh đồng phía trước có một ngươi nông dân đang đào kênh dẫn tuyết thủy chảy đi nên đến hỏi thăm. Đối phương trả lời rằng Vô Lượng Sơn nằm ở ngay dãy núi phía Tây, mấy ngày trước cũng có người đến, rất đông đảo, bất quá phần lớn đã rời đi rồi.
"Lão gia, Thượng Thanh này hình như thanh danh không được tốt cho lắm." Lão Ngũ nói. Lúc trước người nông dân kia khi nói tới Thượng Thanh Vô Lượng Sơn cũng không có kính trọng, thậm chí trong ngữ khí còn có sự khinh bỉ.
"Người tu hành không nên dính hơi tiền." Mạc Vấn gật đầu, hắn có thể thấy được nông dân kia bất mãn với Vô Lượng Sơn chủ yếu là vì Vô Lượng Sơn thu đồ đệ mà lại yêu cầu nộp quá nhiều tiền.
Trong khi hai người nói chuyện, ở xa xa phía trước đi tới một người. Khi đến gần, Mạc Vấn nhìn ra đối phương là một người trẻ tuổi thần tình tức giận, gã mặc áo sợi gai, lưng đeo hành lý.
"Mau về đi, bọn họ hiềm bần ái phú (2) nào có cái tâm từ bi, chỉ giỏi lừa lấy tiền tài mà thôi." Người trẻ tuổi đi ngang qua hai người, nói xong một câu liền bỏ đi.
Mạc Vấn nghe vậy sửng sốt, vốn định giữ gã kia lại hỏi thêm vài câu nhưng lúc này đối phương đã đi xa rồi.
"Lão gia, chúng ta vẫn đi tiếp sao?" Lão Ngũ hỏi.
"Nếu đã tới tận đây rồi thì đi xem một chút xem sao." Mạc Vấn nói.
"Nhưng bọn họ mục đích là lừa tiền, trên người chúng ta cũng chỉ có ít bạc." Lão Ngũ sợ rằng Mạc Vấn mắc mưu nên hỏi một câu.
"Ba người tả một con hổ ắt không giống nhau (3) tai nghe chỉ là giả, mắt thấy mới là thực." Mạc Vẫn cất bước đi tới trước.
Lão Ngũ chỉ đành lắc đầu, thở dài mà đuổi theo.
Đi về phía trước không lâu đã tiến vào núi sâu, những vết chân càng lúc càng hiếm thấy, con đường càng lúc càng hẹp. Lúc này đã là buổi chiều giờ Mùi (4) Mạc Vấn bỗng nghe được từ phía trước truyền tới tiếng ồn ào. Hắn bước thật nhanh qua lưng núi, nhìn thấy ở phía Tây, tại sườn Nam của một chân núi đang tụ tập rất nhiều người trẻ tuổi mặc áo sợi gai. Bọn họ đang ở phía trước một ngôi đình ầm ĩ huyên náo.
Mạc Vấn cùng Lão Ngũ nhanh chóng tới gần, phát hiện trong đình đang đặt một tòa đàn tràng có phủ vải điều, đứng hai bên của đàn tràng là hai vị lão niên đạo nhân. Lúc này trong hơn mười người trẻ tuổi kia có một kẻ lộ vẻ chính khí, phẫn nộ chỉ vào câu đối ở trên hai cây cột ngoài đình mà mắng to. "Nói năng bừa bãi, không biết xấu hổ!"
Mạc Vấn đưa mắt tìm câu đối trên hai cây cột đình, thấy được vế trên là "Vô lượng diệu pháp, ta có ngươi không" vế dưới là "Tiên đạo quý sinh, người phân quý tiện" bức hoành phi là "Ngươi tình ta nguyện".
"Dù có là vương hầu cũng nào có phân biệt chủng loại, mọi người trong thiên hạ đều là ngang hàng, tại sao còn phân biệt quý tiện, nói năng bậy bạ. Đúng là đạo sĩ vô lương, thật chẳng biết xấu hổ." Một gã thư sinh áo gai cao giọng mắng, mọi người xung quanh đều phụ họa.
Hai lão đạo kia vẫn bình thản, không hề để ý tới những kẻ kia.
"Ngươi nói rõ ràng cho chúng ta, dựa vào cái gì mà những kẻ giàu có nộp tiền lên thì có thể đi vào mà chúng ta thì phải quỳ mà lên núi? Hôm nay nếu không nói rõ ràng ra thì chúng ta sẽ phá cái ngôi đình chết tiệt chỉ để thu tiền này." Thư sinh đầu lĩnh kia lại hô lớn lên.
Mạc Vấn nghe đến đây mới vỡ lẽ, thì ra nếu nộp ngân lượng thì được bước vào còn những thư sinh nghèo kia thì phải quỳ mà đi. Điều này đối với những người nghèo kia quả thực là một sự vũ nhục lớn.
"Nộp tiền ra, bần đạo sẽ giải thích cho các ngươi." Lão đạo mặt tròn phía bên phải chỉ vào hòm gỗ đựng tiền trên pháp đàn.
Thư sinh đầu lĩnh trẻ tuổi kia dưới sự bực tức đành chìa tay về hướng mọi người, những thư sinh nghèo túng này đều từ trong lồng ngực lấy ra tiền xu và bạc vụn giao cho gã. Thư sinh kia tay cầm lấy tiền bạc ném vào trong sân đình. "Hôm nay nếu các ngươi không nói rõ ràng thì đừng trách chúng ta vô lễ."
"Không đủ hai mươi lượng, không đáng giải thích nghi vấn, cút đi." Lão đạo mặt dài phía bên trái, hất tay áo lên, ống tay áo sinh ra một luồng gió thổi bay những tiền, bạc rơi vãi trong sân đình bay ra ngoài, chồng thành đống ở ngay dưới chân thư sinh kia.
Gã cùng với những kẻ khác đều bị lão đạo kia dọa sợ, cử chỉ này cho thấy lão có một thân võ nghệ không thể nghi ngờ.
"Đạo nhân xuất gia mà miệng nói thật bẩn thỉu, nực cười, mọi người chúng ta cùng lên đập vỡ cái hòm gỗ kia đi, đừng để người tới sau mắc mưu mà bị hại." Thư sinh áo gai hô to một tiếng đi về phía sân đình, người xung quanh gã cũng hưởng ứng, nhốn nháo theo sau.
Để cho Mạc Vấn không ngờ là, hai lão đạo vốn đang đứng thản nhiên bỗng đồng thời ra tay, bắt lấy những thư sinh xông lên kia ném văng ra ngoài. Lão đạo mặt tròn còn nhu hòa, những kẻ bị lão ném đi đều dùng lưng mà tiếp đất, còn lão đạo mặt dài thì dữ hơn, kẻ nào bị lão ném thì đều tiếp đất bằng mặt.
Những thư sinh này tuy phải chịu chút thiệt thòi nhưng không ai bị thương đến gân cốt. Lúc này tất cả đều bò dậy mà chạy về phía Đông. Lão đạo mặt dài một lần nữa phất tay áo, lập tức những tiền, bạc dưới đất kia liền bị gió thổi bay vào hành lý của một người trong đó.
Mạc Vấn ngạc nhiên chứng kiến hết thảy, hắn không nghĩ rắng những đạo nhân này sẽ ra tay với những thư sinh kia.
"Vô Lượng Thiên Tôn, thiếu niên kia, có phải ngươi tới nơi đây cầu pháp?" Lão đạo mặt tròn hướng về phía Mạc Vấn đang đứng yên hỏi một câu.
"Xin hỏi đạo trưởng, tại sao người giao nộp tiền bạc thì được tiến thẳng vào, còn kẻ túng quẫn lại phải quỳ để đi vào?" Mạc Vấn hướng vê hai lão đạo vái một vái.
"Đều là người đọc sách, mà bọn chúng không biết lễ nghĩa được như ngươi, thế nhưng bần đạo không thể điểm thấu (5) cho ngươi được, ngươi phải tự ngộ ra." Lão đạo mỉm cười nói.
Mạc Vấn khẽ nhíu mày, theo những hành động lúc trước của hai người, cho thấy họ đều là cao nhân thân mang tuyệt kĩ, chắc chắn không phải bọn giang hồ bịp bợm, nếu nói họ tham tiền thì không hợp lí. Hơn nữa nếu là kẻ lừa đảo thì chắc chắn không thể nào yêu cầu nhất định phải có đủ hai mươi lạng bạc mới giải thích nghi vấn cho mọi người. Cử chỉ này của họ chắc chắn có thâm ý.
"Người có tiền, lấy tiền biểu lộ sự chân thành. Người không có tiền, dùng hành động mà tỏ chí (6). Quý tông mục đích không phải ở tiền tài mà là khảo nghiệm người đến có thành tâm hay không." Sau một lúc, Mạc Vấn bỗng nhiên hiểu ra.
"Dù trong mười năm cũng khó có được kẻ như ngươi, "quỳ mà vào núi" thực ra vẫn còn thâm ý khác." Lão đạo mặt tròn gật đầu.
Mạc Vấn nghe vậy lại nhíu mày, ý tứ của lão đạo là hắn mới chỉ đúng một nửa, còn một nửa nữa hắn còn chưa ngộ ra.
"Lão gia ngươi đừng có mắc câu." Lão Ngũ thấy vậy vội vàng kéo Mạc Vấn lại.
Mạc Vấn đưa tay ra ý bảo Lão Ngũ không cần xen vào. Hắn lại tập trung suy nghĩ, sau một lúc, lông mày chợt giãn ra, lấy tay chỉ vào câu đối. "Câu đối này ý nói người vào núi phải hiểu tôn ti trật tự, phải hiểu vị trí của bản thân, nếu không có tôn ti, làm sao hiểu được lễ phép, không tự biết chỗ đứng, làm sao hiểu rõ bản thân. Người phải quỳ mà vào núi so với kẻ khác thì kém một bậc, ở trước mặt bao người như vậy khó tránh khỏi hổ thẹn, sau này tu hành nhất định sẽ vô cùng khắc khổ, lấy muôn ngàn nỗ lực mà bổ khuyết sự thiếu sót bẩm sinh, chịu tất cả khổ ải để tẩy đi cái khuất nhục chịu quỳ (7)."
"Sư huynh, nếu thế gian ai cũng được như thiếu niên này thì lo gì Thượng Thanh Tông chúng ta không hưng thính?" Lão đạo mặt tròn vui mừng nói với sư huynh của mình.
"Lúc trước chúng ta ra tay với những thư sinh kia, ngươi có lĩnh ngộ được chăng?" Lão đạo mặt dài thần sắc không chút biến đổi hỏi.
"Bọn họ tâm trí chưa đủ, chịu không nổi gọt giũa, vì vậy hai vị đạo trưởng không muốn phí lời với những người này. Sau đó, họ lại lấy cái danh giúp người để mà cướp đoạt, tuy rằng là thư sinh nghèo túng, cũng không thể đi làm đạo tặc. Vì thế nhị vị không hề nương tình mà ra tay trách phạt, biểu thị uy nghiêm." Mạc Vấn nói.
"Hãy đưa hào bài ra." Lão đạo mặt dài vô cùng hài lòng đáp án của Mạc Vấn, đưa tay ra ý bảo hắn mau đưa hào bài.
"Hồi đạo trưởng, vẫn bối..." Mạc Vấn nghe vậy ngẩn ra, hắn đến Vô Lượng Sơn là để tìm Hắc Tam, cũng không phải để cầu pháp.
"Không có tiền cũng không sao, ngươi không cần đưa tiền, cho phép đi vào. Mau đưa hào bài cho ta." Lão đạo mặt tròn bước tới gần Mạc Vấn chìa tay ra.
Mạc Vấn càng thêm lo lắng, bất đắc dĩ nhìn Lão Ngũ. Lão Ngũ lúc trước vẫn sợ Mạc Vấn mắc lừa, mà bây giờ Vô Lượng Sơn cũng không cần nộp tiền, chắc chắn không phải lừa gạt. Thế nên khi Mạc Vấn nhìn gã, gã cũng theo bản năng lấy mộc bài từ trong ngực ra.
Lão đạo mặt tròn cầm lấy mộc bài rồi xoay người vào trong đình đi tới pháp đàn, nâng bút lên định viết.
"Xin nhận ý tốt của hai vị đạo trưởng, thế nhưng vãn bối song thân (8) vừa mất, lại là độc đinh trong nhà, nếu vào quý tông chỉ sợ mất đi hiếu đạo." Mạc Vấn vừa nghĩ mình sẽ thành đạo sĩ, vội vàng chối từ.
"Thượng Thanh Tông không cấm kết hôn." Lão đạo mặt tròn đưa mộc bài cho Mạc Vấn.
"Lão gia, ngươi làm đạo sĩ thì ta đi đâu đây?" Lão Ngũ thấy không ổn bèn nói xen vào.
"Người hầu này của ngươi có từng xem sách học chữ?" Lão đạo mặt tròn hỏi ngay.
"Chưa từng, ơn tri ngộ (9) của đạo trưởng..." Mạc Vấn lắc đầu.
Lão đạo vốn có lòng yêu tài, tiếc tài, thấy Mạc Vấn chối từ, vội vàng quay đầu nhìn về phía lão đạo mặt dài trong đình, thấy sư huynh mình gật đầu, lão liền quay lại hỏi Lão Ngũ. "Không biết chữ cũng không sao, ngươi có biết nấu ăn (10) không?"
Lão Ngũ không hiểu ý tứ của lão đạo (10) liền quay sang nhìn Mạc Vấn, Mạc Vấn cười khổ nói. "Đạo trưởng muốn thu nhận ngươi vào đạo quan để nấu cơm cho mọi người."
"Đa tạ đạo trưởng, đa tạ đạo trưởng." Lão Ngũ chẳng những không buồn phiền, ngược lại còn vui vẻ ra mặt, liên tục cúi người về hướng hai vị lão đạo.
"Sư huynh, ta mang bọn hắn lên núi. Một lát nữa sẽ quay lại." Lão đạo mặt tròn nói một tiếng với lão đạo mặt dài, rồi dẫn hai người vào núi.
"Đạo trưởng, hiện giờ ta chính là đệ tử Thượng Thanh Tông rồi sao?" Mạc Vấn đến giờ vẫn chưa thể định thần.
"Đương nhiên không phải, ba năm sau vào cuộc chân tuyển, kẻ nào vượt qua chín cửa ải thì mới lấy được thân truyền của tổ sư..."
(1) Một câu nói của Khổng Tử, nguyên là “ lễ thượng vãng lai, hữu vãng vô lai phi lễ dã”(lễ là có đi có lại, có đi mà không có lại không phải là lễ vậy)
(2) ghét nghèo ưa giàu
(3) Nguyên hán văn là, 三人成虎有失公允, Hán Việt, "Tam nhân thành hổ hữu thất công duẫn"
Câu thành ngữ này có xuất xứ từ: "Chiến Quốc sách- Ngụy sách nhị ".
Đại thần Bàng Thông được vua Ngụy ủy thác theo thái tử sang làm con tin tại nước Triệu. Bàng Thông lo lắng sau khi mình đi rồi sẽ có người nói xấu mình trước mặt vua, khiến nhà vua không tin tưởng ở mình nữa. Nên trước khi lên đường mới hỏi vua rằng: "Tâu Đại Vương, nếu có người nói trên đường phố có hổ, liệu đại vương có tin không?". Ngụy Vương liền trả lời ngay: "Đương nhiên là không tin rồi".
Bàng Thông lại hỏi tiếp: "Nếu có người thứ hai đến nói trên đường phố có hổ thì Đại Vương có tin không?". Ngụy Vương do dự giây lát rồi trả lời: "Trẫm có thể ta sẽ bán tin bán nghi".
Thế nếu có người thứ ba đến nói trên đường phố có hổ thì Đại Vương có tin không?
Ngụy Vương vừa gật đầu vừa đáp: "Ta chắc chắn là tin rồi". Bàng Thông nói: " Kỳ thực trên đường phố không có hổ, đây là điều bịa đặt mà thôi. Nhưng cả ba người đều nói là có hổ mà đại vương đã tin ngay. Nay hạ thần cùng thái tử đi sang nước Triệu, không được hầu hạ bên cạnh đại vương, nếu sau này có người nói xấu hạ thần thì mong Đai Vương hãy cân nhắc kỹ lời nói của họ ". Vua Ngụy gật đầu nhận lời.
Bành Thông sang nước Triệu được ít lâu, quả nhiên có người đến nói xấu ông trước mặt vua Ngụy, mới đầu nhà vua không tin, nhưng khi số người đến nói cứ nhiều lên, nên nhà vua cũng tin là có thực. Đến khi Bành Thông về nước, nhà vua không còn tin dùng ông nữa, trậm trí còn không triệu gặp ông.
Hiểu nôm na nghĩa là cùng một sự việc, qua miệng nhiều người thì không chính xác nữa. Tương tự câu "tam sao thất bản".
(4) Giờ Mùi là từ 13:00 đến 15:
(5) Điểm thấu có thể hiểu nôm na là nói thẳng ra, thế nhưng không đủ để bày tỏ hết ý nghĩa của nó nên tại hạ xin để nguyên.
(6) Nguyên câu Hán Việt, "Hữu kim giả, dĩ kim biểu thành. Vô kim giả, dĩ hành minh chí."
(7) Hán Việt, "Thử liên chỉ tại nhượng nhập sơn chi nhân minh tôn ti, chính kỷ vị, vô tôn ti bất thành lễ pháp, bất chính vị bất đắc minh thân, quỵ nhập sơn môn giả đê nhân nhất đẳng, chúng mục khuê khuê chi hạ tâm trung nan miễn bão quý, nhật hậu tu hành tất định cực vi khắc khổ, dĩ thiên bàn cần bổ tiên thiên chi bất túc, thụ vạn bàn khổ tẩy quỵ nhập chi khuất nhục."
Khi dịch ra khó lòng diễn tả đầy đủ những đối âm, đối nghĩa và ý của đoạn văn, mong mọi người thứ lỗi.
(8) cha mẹ
(9) Ân nghĩa khi được người khác thừa nhận tài năng, trọng dụng
(10) Ở chỗ này, từ Hán Việt là phanh xuy, việc bếp núc. Có lẽ là một từ dùng ở tầng lớp trí thức, nho sĩ nên Lão Ngũ không hiểu.