Chương 127: Bát vàng
Sau khi ngự giá đến cung uyển, các thành viên hoàng tộc không được Thánh Nhân thân cận liền bị đuổi đi, từng người hồi gia tự mình trù tính tiền đồ. Chỉ có những ai nhận được thánh quyến mới có thể lưu lại.
“Thánh Nhân có khẩu dụ, ‘Nếu đã trở về Trường An, thì hãy để Tiết Đả Bài đến chơi một ván’.”
Tiết Bạch ở ngay trước mặt Nhan Yên được gọi đi như vậy, cũng coi như củng cố thêm danh tiếng của cờ bạc thế gia.
Trên đường vào Cấm uyển, Lý Long Cơ đang xem thuộc hạ của An Lộc Sơn là Thải phóng sử Trương Lợi Trinh dâng lên cống phẩm.
"An đại phủ thường nói với các thợ thủ công rằng Thánh Nhân yêu thích tửu khí, cũng hy vọng có thể đến chúc thọ vào dịp Vạn Tuế Thiên Thu tiết."
"Hồ Nhi có lòng, có lòng rồi, đợi hắn đến, tất nhiên có thể thấy được một màn 'vũ mã'."
Lý Long Cơ cười lớn.
Tiết Bạch đứng sang một bên, ánh mắt rơi vào chiếc ấm bạc mà Lý Long Cơ đang vuốt ve, chợt hoảng hốt trong nháy mắt.
Thời gian ngàn năm luân chuyển, hắn từng nhìn thấy nó, khi ấy gọi là "Lưu kim vũ mã hàm bôi văn bì nang thức ngân hồ".
Vũ mã hàm bôi, là một cảnh tượng huy hoàng khác của nhà Đường. Mỗi khi đến tiệc sinh nhật của Thánh Nhân, sẽ thấy vũ mã nhảy múa, ngậm bát dâng rượu để chúc thọ Thánh Nhân. Hình ảnh này được phù điêu mạ vàng lên mặt da của ấm, từ thiết kế đến chế tác đều dựa theo phong cách của Khiết Đan, có thể xưng một tiếng nhất tuyệt, so với tửu khí của Trung Nguyên hoàn toàn khác biệt.
Người ngoài không rõ, nhưng suy nghĩ tỉ mỉ, mới thấy sự lợi hại trong cách tặng lễ của An Lộc Sơn.
Phải am hiểu Thánh Nhân có thói quen sưu tầm tửu khí; Phải am hiểu vũ mã là một trong những thứ mà Thánh Nhân tâm đắc; Lại còn khéo léo bày tỏ sự quan tâm đến sinh nhật của Thánh Nhân mà không hề để lộ thanh sắc.
Tiết Bạch tự thẹn không bằng.
So công lực với An Lộc Sơn trong việc lấy lòng Thánh Nhân, hắn còn kém xa.
Khi nào đến sinh nhật của Thánh Nhân? Mùng 8 tháng 9.
Lễ Vạn Tuế Thiên Thu, An Lộc Sơn coi đó là sự kiện lớn nhất trong năm, thậm chí đánh trận cũng là để có thể dâng tù binh vào mùa thu năm đó.
Đây vẻn vẹn chỉ là một kiện tiểu lễ vật, mà lễ vật như vậy, trong chiếc rương kia còn không biết có bao nhiêu thứ.
Vả lại trước mắt vừa mới bắt đầu, đoàn xe chở lễ của An Lộc Sơn còn chưa đến nơi, càng nhiều tù binh, bò cừu, lạc đà, trân cầm dị thú, châu báu kỳ vật đều đang trên đường đến.
Sau khi Trương Lợi Trinh tiếp tục dâng thêm một số cống phẩm, cuối cùng Lý Long Cơ cũng chú ý đến Tiết Bạch, mở lời mắng nhẹ.
"Tiết Đả Bài, sao lại có vẻ không vui?!"
"Bẩm Thánh Nhân, tuế khảo sắp tới rồi." Tiết Bạch giả vờ khổ sở nói: "Cứ thức khuya đánh bài, sau đó mấy ngày liền không có tinh thần."
Lý Long Cơ cười lớn.
Người muốn chơi bài với hắn không đếm xuể, ngược lại người không muốn lại càng thú vị.
"Trẫm còn không thấy mệt, ngươi mới bao nhiêu tuổi?" Lý Long Cơ đặt chiếc bát vàng xuống, nét mặt lộ rõ sự đắc ý, "Lại đây, vào bàn đi."
Bên cạnh, Trương Lợi Trinh vừa mới cầm lên một kiện kim khí, chuẩn bị mở miệng giới thiệu, thì chợt sững sờ.
Những năm trước khi đến dâng cống phẩm, mỗi món Thánh Nhân đều muốn nghe hắn giới thiệu, có khi còn hỏi thêm vài câu. Chưa từng có cảnh như hôm nay.
Tiết Đả Bài?
Một năm không đến, Trường An hóa ra đã xuất hiện một nhân vật có thể giành lấy Thánh tâm.
~~
Lần này đánh bài là cùng Dương Ngọc Hoàn và Trương Đinh.
Trương Đinh thân là Thái tử Lương đệ, thường xuyên vào cung đánh bài, cũng không ai lo lắng Lý Long Cơ sẽ lại cướp con dâu.
Vì bên cạnh Lý Long Cơ có quá nhiều mỹ nhân, mỗi người đều nổi tiếng một câu chuyện phong hoa tuyết nguyệt. Hắn hiện đã sáu mươi, cần hơn là những người bạn chơi cùng.
Bên này ván bài vừa bắt đầu, bên kia Lý Quy Niên đã gảy đàn, cất giọng ca, phong cách có chút khác biệt so với Hứa Hợp Tử.
"Hồng ngẫu hương tàn ngọc điệm thu…"
Dương Ngọc Hoàn đánh ra một quân, rồi khe khẽ hát theo, nhưng cách hát lại khác hẳn hoàn toàn với Lý Quy Niên, hóa ra đã đem cách hát kia của Tiết Bạch dung hội quán thông.
Lý Long Cơ tiếp lời ca, càng thêm đắc ý, liếc nhìn Tiết Bạch với vẻ khinh miệt, hỏi: "So với ngươi hát thì thế nào?"
Tiết Bạch ngạc nhiên nói: "Thần hát như vậy… Thánh Nhân lại muốn so với thần sao?"
"Ha ha, đồ nhãi nhép, đến cách hát giống nhau cũng không nhận ra?"
"Âm luật là thứ thanh tao, thần chỉ có thể đả đả bài."
Lý Long Cơ mỉm cười nói: "Trẫm vừa giỏi âm luật, lại giỏi chơi bài. Đủ thấy cả hai đều là những thứ thanh tao."
Trương Đinh không hiểu bọn họ nói gì, nhưng Thánh Nhân đã nói đùa, nàng lập tức cũng cười góp vui theo.
"Nhờ hồng phúc của Thánh Nhân, ta cũng thanh tao rồi."
Dứt lời, nàng đẩy ngã tất cả quân bài trước mặt.
"Ù."
Lý Long Cơ cười sang sảng, ban thưởng cho Trương Đinh một món cống phẩm.
Nhân lúc các thái giám lên xếp bài, Trương Đinh liền nói: "Khi ta đến đây, vừa gặp A Thố trở về, nàng nhắc đến chuyến đi Chung Nam Sơn, không ngừng bảo là lần này may mắn được gặp Tiết lang lừng danh khắp Trường An đấy."
"Chớp mắt, A Thố đã đến tuổi cài trâm a."
"Nữ nhi gia mà, thấy điều lạ khó tránh khỏi tò mò, lại nào là cố sự, tân từ, nói mãi cũng không hết."
Lý Long Cơ đương nhiên hiểu ý của Trương Đinh, ánh mắt hướng về phía Tiết Bạch.
Tiết Bạch cúi đầu nhấp một ngụm nước.
"Tiểu tử, đang nói về ngươi, sao lại tránh né?"
Tránh cái gì, đến cả thái giám cũng hiểu rõ trong lòng, Đại Đường này, ai lại muốn lấy nữ nhi của hoàng tộc? Thánh Nhân có rất nhiều công chúa, quận chúa, người người đều lo lắng chuyện lấy chồng.
Đột nhiên, Dương Ngọc Hoàn cười một tiếng, nói: "Thiếu niên lang được khen, lại còn biết khiêm tốn."
Nói rồi, nàng vẫy tay, gọi Trương Vân Dung mang đến chiếc bát vàng có hình cánh sen mà nàng nhận được hôm nay.
Chiếc bát vàng này cũng là quà của An Lộc Sơn, hoa văn hình cánh sen được chạm nổi trên thành bát, cực kỳ tinh xảo.
Kỹ thuật chạm nổi không phải là sở trường của thợ thủ công Trung Nguyên, đủ thấy An Lộc Sơn quả là một bậc thầy trong việc tặng lễ.
"Ngươi dâng những thứ tốt kia, Thánh Nhân hứa sẽ cho ngươi tiền đồ khi ngươi trưởng thành, còn ta vẫn chưa thưởng cái gì, vậy thì tặng chiếc bát vàng này như một lời chúc ‘Y thực vô ưu’... với điều kiện là ngươi phải thắng ván bài hôm nay."
"Tạ quý phi ban ân."
Có bát vàng, thì cần gì công chúa?
Lý Long Cơ nghe vậy, cười nhạo nói: "Cái bát vàng mà Thái Chân ban, chứa được mười hộc rượu, ngươi uống nổi không?"
"Nếu Thánh Nhân không nỡ cho, thì hãy thắng tiểu tử này..."
Trương Đinh thấy Thánh Nhân không muốn nhắc lại chuyện ban hôn, trong lòng thất vọng.
Sau câu nói đùa, ánh mắt Dương Ngọc Hoàn chuyển động, lườm Tiết Bạch một cái, mang theo chút ý nhắc nhở, cảnh cáo.
—— Lần này ta giúp ngươi giải vây, xem ngươi sau này còn dám gây chuyện thị phi không.
~~
Ánh nắng xuyên qua cửa sổ giấy, chiếu rọi vào chiếc bát vàng trên bàn, lấp lánh sáng rực.
"Đẹp quá a!"
Thanh Lam đã ngồi ngắm nó thật lâu, đến mức trong mắt cũng lóe lên kim quang.
Nhưng nàng không nỡ dùng bát vàng chứa nước, chỉ lau sạch rồi cất cẩn thận, như thể muốn cung phụng, nuôi dưỡng nó.
Còn Tiết Bạch lại chẳng mảy may hứng thú với những thứ vàng bạc này, cảm thấy đồ gốm cũng đã rất tốt rồi.
Hắn dõi theo bóng lưng của Thanh Lam một hồi, chợt nhớ lại lần trước mình từng hỏi nàng “Có muốn làm thiếp của ta không” thật là quá thiếu khí phách... Mỗi lần vừa tỉnh giấc đều sẽ hiện lên những ý nghĩ loạn thất bát tao thế này.
Trường An thành không giống Chung Nam Sơn thanh tĩnh, còn chưa tỉnh hẳn, thì đã có khách đến.
...
Trong sảnh, Bùi Tư đang trò chuyện cùng Đỗ Ngũ Lang. Thoạt trông hai người có vẻ bình thản, nhưng trong mắt Bùi Tư lại lộ ra vẻ lo âu. Thấy Tiết Bạch bước vào, hắn lập tức đứng dậy.
“Tiết Lang cuối cùng đã về, chuyến đi Chung Nam Sơn có thu hoạch gì không?”
“Ta theo Khải Huyền chân nhân học được thổ nạp chi pháp, đốn ngộ rất nhiều điều.”
Bùi Tư cười đáp: “Năm xưa, Lư Tàng Dụng từng ẩn cư ở Chung Nam Sơn rồi nhận được cao quan, ngược lại những người cầu tiến, chăm chăm lo lo sự nghiệp, lại khó đi trên quan đồ.”
Tiết Bạch hiểu ý, dẫn Bùi Tư vào thư phòng, hỏi: “Bùi công lại gặp rắc rối sao?”
“An Lộc Sơn sắp tiến kinh dâng cống phẩm.” Bùi Tư đáp. “Hồ nhi này là môn hạ của Ca Nô, hơn nữa đã phát ngôn đòi Ngự sử đại phu chi vị, nhất định là muốn nhằm vào gia phụ.”
"Phách lối như thế?"
"Hồ nhi rất được Thánh Nhân yêu mến, ắt sẽ ở trước mặt Thánh Nhân mưu hại gia phụ. Đến lúc đó, e rằng lại phải nhờ Quốc cữu cùng Tiết Lang giúp đỡ một hai.”
Bùi Tư sắc mặt ngưng trọng, phải chạy tới thương nghị cùng với một kẻ bạch thân như Tiết Bạch, đủ thấy tình hình không quá lạc quan.
Nhưng Tiết Bạch lại hỏi: “Nếu đã muốn mưu hại, thì dù sao cũng nên có một tội danh. Ca Nô và Hồ nhi chẳng thể nào hại Bùi công vô cớ được chứ?”
Bùi Tư hiểu rõ câu này là muốn hỏi về căn nguyên của sự việc, ban đầu hắn không định nói ra, nhưng sau khi do dự, vẫn quyết định tin tưởng vào minh hữu trước mặt.
"Gia phụ khi đảm nhiệm Tiết độ sứ ở Phạm Dương, từng dung túng cho biên quân cướp bóc Khiết Đan nô tỳ, lén lút bán đi rồi chia chác, báo láo chiến công. Đương nhiên, đây vốn là lệ thường của biên quân.”
"Đã là lệ thường, bọn họ vẫn có thể lấy cớ này đối phó Bùi công sao?"
"Tiết Lang có biết Khiết Đan chi sự không?"
“Xin lắng tai nghe.”
“Thuở đầu khai quốc, năm Trinh Quán thứ ba, Đại Hạ thị của Khiết Đan đã quy thuận Đại Đường, được ban họ Lý. Trong bảy mươi năm sau đó, Đại Hà thị luôn dùng thân phận là Tùng Mạc đô đốc, cai quản tám bộ của Khiết Đan. Mãi đến khi, Diêu Liễn thị cùng Đại Hạ thị nội chiến, phản bội Đại Đường, đầu nhập Đột Quyết…”
Bùi Tư sơ lược nguồn gốc của Khiết Đan chi loạn.
Đơn giản là, Đại Hạ thị trung Đường, Diêu Liễn thị phản Đường.
“Thời Khai Nguyên, Thánh Nhân bổ nhiệm Trương Thủ Khuê làm Phạm Dương Tiết độ sứ, nhiều lần đánh bại Khiết Đan. Sau đó, lợi dụng Lý Quá Chiết của Đại Hạ thị diệt trừ Khả Đột Vu của Diêu Liễn thị. Triều đình phong Lý Quá Chiết làm Bắc Bình quận vương, Tùng Mạc đô đốc, thống lĩnh Khiết Đan, tưởng như đã kết thúc Khiết Đan chi loạn. Thánh Nhân cho rằng Trương Thủ Khuê lập được bất thế đại công, muốn trọng thưởng, thậm chí muốn phong hắn làm Tể tướng. Nhưng Tiết Lang có biết, vì sao Trương Cửu Linh lại phản đối chuyện này không?”
Tiết Bạch đáp: "Công lao là giả?"
"Diệt trừ một Khả Đột Vu, vốn dĩ không thể giải quyết được Khiết Đan chi loạn. Ngay năm sau, thủ lĩnh Diêu Liễn thị lại giết Lý Quá Chiết, nổi dậy lần nữa. Vì vậy, Trương Cửu Linh cho rằng công lao của Trương Thủ Khuê chưa đủ để bái tướng, 'Thủ Khuê vừa mới phá Khiết Đan, bệ hạ đã muốn phong làm Tể tướng; Nếu diệt hết Hề, Quyết, thì sẽ phong thưởng thế nào đây?'”
“Trương Thủ Khuê là Phạm Dương Tiết độ sứ trước gia phụ một nhiệm kỳ, bên cạnh đó An Lộc Sơn, người đảm nhiệm chức vụ này sau gia phụ một nhiệm kỳ. Hắn là nghĩa tử của Trương Thủ Khuê, giỏi Hồ ngữ, mưu mô giảo hoạt, tài đánh trận có lẽ cũng có. Nhưng cả Trương Thủ Khuê và An Lộc Sơn đều có chung một bản sự, chính là báo láo chiến công."
Nói đến đây, Bùi Tư có phần khó nói: “Ngươi hiểu ý của ta chứ? Khi gia phụ làm Tiết độ sứ ở Phạm Dương, đã chấn chỉnh quân kỷ, chiếu cố dân tình. Cho rằng muốn diệt Khiết Đan, thì phải có kế hoạch lâu dài.”
Tiết Bạch lại dám nói thẳng: “Thánh Nhân càng thích kiểu thần tử biết làm việc như Trương Thủ Khuê và An Lộc Sơn.”
Từ những chuyện này có thể thấy rõ cách trị quốc cẩu thả của Lý Long Cơ.
Trương Cửu Linh nhìn nhận tình hình Khiết Đan rõ ràng có tầm nhìn xa hơn. Còn Lý Long Cơ, thay vì nói là thiển cận, không bằng nói là thích việc lớn hám công to, hơn nữa lại thiếu kiên nhẫn, chưa chắc đã không nhìn ra căn nguyên của Khiết Đan chi loạn, mà chỉ là cảm thấy phiền phức, làm lỡ việc hưởng thụ của hắn.
Vì vậy, Trương Thủ Khuê đánh thắng một trận, lại khoe khoang thêm về chiến công một chút, lập tức được coi là bình định Khiết Đan, công huân lớn lao, có thể so với Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh. Đại Đường thịnh thế, ngàn điều vạn điều đều tốt đẹp.
Tự mãn, tự đắc, tự tư.
Vị hoàng đế này từ những năm Khai Nguyên đã bắt đầu bộc lộ tâm thái kiêu căng. Chỉ là khi ấy còn nhiều danh thần, lương tướng ước thúc.
Đến hôm nay, đã chẳng còn ai có thể ngăn được vị hoàng đế duy ngã độc tôn này nữa.
“Thói xấu của biên quân, kỳ thực gia phụ đã ước thúc đến mức tốt nhất, nhưng quả thực vẫn xảy ra.” Bùi Tư nói: “Chuyện này phải nói sao đây... An Lộc Sơn ở Phạm Dương, năm nào cũng xuất binh đánh Khiết Đan, hai bên đều có thắng có bại, nhưng trong mắt Thánh Nhân chính là đại công. Lúc gia phụ tại nhiệm, không thắng không bại, ngược lại còn bị thu thập tội chứng.”
Trong năm Thiên Bảo triều đình phong tục chính là như thế.
Người khéo luồn lách có thể biến một phần công lao thành mười phần; Người quá trung thực, dù chỉ nửa phần sơ suất cũng có thể bị mưu hại thành mười phần.
Vấn đề nằm ở gốc rễ, Tiết Bạch cũng không có cách.
"Ta chỉ là một kẻ bạch thân, hoàn toàn không có quyền lên tiếng trước Thánh Nhân về những quân quốc trọng sự này, Quốc cữu cũng không hiểu rõ biên sự.” Tiết Bạch nói: “Bùi huynh hy vọng ta giúp thế nào?”
Bùi Tư chậm rãi hỏi: “Có đủ tư cách ở trước mặt Thánh Nhân bàn luận về Đông Bắc biên sự, có thể nói một lời công đạo, hẳn là các tướng lĩnh vùng Tây Bắc?”
Ý hắn là muốn nhờ Đông Cung hòa giải, dĩ nhiên không phải tướng lĩnh Tây Bắc nào cũng thân cận với Đông Cung, nhưng hiện nay, người có tiếng nói về biên sự có thể vượt qua An Lộc Sơn, không thể không nhắc đến tứ trấn Tiết độ sứ Vương Trung Tự.
Hôm nay đến đây vừa để thông tin cho Tiết Bạch, vừa muốn thông qua Tiết Bạch kết giao với Vương Trung Tự. Biết đâu trong vòng một hai tháng nữa, Vương Trung Tự sẽ đánh hạ Thạch Bảo thành, đến lúc đó chỉ cần một lời can gián thì có thể bảo vệ được Bùi Khoan.
Tiết Bạch hiểu ý, lắc lắc đầu.
Nhưng ngẫm lại, Bùi Khoan cũng không thể làm gì khác hơn.
Triều đình hiện tại bị Ca Nô nắm trong tay, ngoài Vương Trung Tự, thật không còn trọng thần nào dám ra mặt cùng An Lộc Sơn luận về biên sự.
“Bùi công muốn thân cận Đông Cung, ta không phản đối. Nhưng trước mắt ta chỉ là bạch thân, lại phải lo tuế khảo sắp đến, chuyện này ta sẽ không can dự, mà chuyên tâm vào học nghiệp.” Tiết Bạch nghĩ một hồi, từ tốn nói.
Bùi Tư chợt sững sờ, hỏi: “Ý ngươi là gì?”
“Phân rõ giới hạn.”
“Nhưng…”
“Đều là thần tử của Thánh Nhân, bất cứ việc gì cũng nên xem xét và phán đoán dựa trên bản chất của nó.” Tiết Bạch nghiêm túc nói: “Nếu không thì, chẳng phải chúng ta đang kéo bè kết phái trong triều sao?”
Ánh mắt Bùi Tư lấp lóe, dường như đã ngầm hiểu ra.
Hắn khẽ cười khổ, nói: “Hôm nay ta đến đây còn có một chuyện khác… Vốn là muốn bàn với ngươi về hôn sự.”
“Lúc này sao? Chuyện này chỉ có thể gác lại thôi.”
~~
Tiết Bạch chẳng hề muốn cưới nữ nhi nhà họ Bùi.
Hiện nay hắn đã xác định được chí hướng của mình, cũng có tiêu chuẩn lựa chọn vợ riêng.
Vừa không thể là Lý thị công chúa, vừa không thể là thụ đại căn thâm thế tộc chi nữ. Gia thế không nên quá cao mà cũng không nên quá thấp, có thể ủng hộ hắn nhưng không được chi phối hắn, tốt nhất là có danh tiếng có tài hoa, thêm vào tính cách, khí chất và phẩm hạnh cũng phải tốt, vừa có thể phục người, vừa có thể khiến người nể phục.
Dù sao cũng là gia quốc thiên hạ, như thế mới có thể an ổn....
Nghĩ đến đây lại có chút xa vời, Tiết Bạch lắc đầu, xua tan những ý niệm viển vông này, rồi cầm lấy văn thiếp cùng một túi lớn chứa đầy táo đỏ Tây Vực, khởi bước đến Nhan gia.
~~
“Một quả tây qua lớn...”
“Ca ca, tây qua là gì vậy?”
“Là quả dưa hấu, tiếp nào, một quả dưa hấu lớn, cắt một nửa, một nửa cho người...”
Trong viện, tiếng ve kêu râm ran như bản giao hưởng rộn ràng, những bông hoa nhỏ màu trắng nở giữa lùm cây bên hiên tỏa ra hương thơm thoang thoảng, mang đến cho người ta một loại cảm giác thư thái, an nhiên.
Tiết Bạch và Nhan Yên, một trước một sau, từ từ tốn tốn mà tập xong bộ quyền mang tên “Quả dưa hấu” sau đó chậm rãi thu quyền, thổ khí.
“Nhớ chưa?”
“Làm gì có chuyện nhớ nhanh như thế.”
“Nga.”
“Ngày mai ca ca đến dạy muội nữa nhé. Mà, hôm nay cố sự cũng quá ít chăng?”
Dạo này sức khỏe của Nhan Yên quả thật khá hơn đôi chút. Trước kia nàng thường yếu ớt, sắc mặt hơi nhợt nhạt, nhưng hôm nay sau khi tập xong, gò má đã có phần hồng nhuận.
“Tuế khảo chủ yếu thi thiếp kinh, không phải thi cố sự đâu.” Tiết Bạch đáp.
“Muội có hí văn của Quý Lan Tử để xem, nàng còn chăm chỉ hơn ca ca nhiều. Đúng rồi, nàng có thể trực tiếp đến nhà ca ca bái phỏng không? Dù sao cũng phải cho ca ca xem qua hí văn mà.”
“Ngày mai ta qua đó đi.” Tiết Bạch cũng không muốn để Lý Quý Lan đến nhà mình.
Hiện tại, Nhan gia có nhiều nhất chính là các vị thuốc đan sâm và hoàng kỳ, dạo này Tiết Bạch đến đây, mỗi khi Nhan Yên uống hoàng kỳ thang, Vi Vân đều sẽ nấu một bát đan sâm cho hắn.
Sau khi tập xong, hai người ngồi bên bàn đá trong vườn, thưởng thức bát thuốc của mình.
“Đắng quá, trong hoàng kỳ thang sao lại bỏ nhiều đương quy thế chứ.”
Nhan Yên thở dài một hơi, nhìn lại bát đan sâm của Tiết bạch đã cạn, đành phải uống tiếp.
“Ca ca uống thứ này có ích gì không?”
“Không biết, à, sư nương bảo là để bổ khí dưỡng nguyên.”
~~
Đêm đến, Tiết Bạch mơ một giấc mơ.
Hắn mơ thấy mình đang ở giữa hai tảng đá lớn, ban đầu vẫn ổn, bỗng bên trái có một tên mập mạp chạy đến, bên phải có mấy người nữa, nam hay nữ đạo sĩ đều có, cả hai bên đều bắt đầu đẩy tảng đá vào.
Tiết Bạch cứ tưởng mình sắp chết… May mắn thay, tảng đá dường như biến thành thứ gì đó mềm mại, nên mới không ép chết hắn.
Mơ đến đoạn sau, quả nhiên lại biến vị.
Khi tỉnh dậy, hắn ngồi ngẩn ra, biết rõ đây là ngày nghĩ gì, đêm mơ nấy.
Đại bàn tử sắp đến, Bùi gia sợ tới mức phải nhờ cậy Đông Cung, còn bản thân mình sẽ làm gì?
Đột nhiên hắn có chút hối hận vì không thể tát cho mỗi người trong mơ một cái.
“Để các ngươi đẩy.”
...
Xế chiều, Tiết Bạch đến Ngọc Chân Quan.
Đi qua con ngõ nhỏ của Phụ Hưng phường, lần này hắn bất ngờ gặp phải Quảng Bình Vương Lý Thục.
“Tiết Bạch? Trùng hợp thế.”
Lý Thục ánh mắt sáng lên, tiến đến nhiệt tình bắt chuyện, nói: “Ta đến thăm cô tổ, còn ngươi?”
“Quảng Bình Vương chẳng phải bị cấm túc rồi sao? À, ta hỏi thế này, thật thất lễ.”
“Không sao, cô tổ sắp về Vương Ốc Sơn, nên ta mới thỉnh cầu đến thăm nàng.” Lý Thục lại hỏi: “Ngươi đến đây có chuyện gì?”
“Dĩ văn hội hữu.”
“Tiết Lang tài hoa, dĩ văn hội hữu, nhã quá thay.”
Lý Thục mỉm cười ôn hòa, thân thiết khoác vai Tiết Bạch như tri kỷ, kéo hắn sang một bên hàn huyên.
“Chuyện giữa ngươi và Thập Thất Nương của Hữu tướng phủ ta đã nghe nói, có lẽ đây chính là nỗi khổ mà ngươi khó nói ra. Đáng tiếc, thế sự không theo ý mình, không thể cưỡng cầu.”
“Đúng là,” Tiết Bạch nói: “Không thể cưỡng cầu.”
“Hãy nghĩ thoáng một chút.” Lý Thục nói: “Về sau ngươi sẽ gặp được thê tử phù hợp hơn, nam nhi sau khi thành thân vẫn nên quy phạm ngôn hành, thiện đãi thê tử, đúng chứ?”
“Lời của Quảng Bình Vương quả rất đúng, nên thiện đãi thê tử.”
Lý Thục càng thêm thân thiết, nói: “Ta coi ngươi là tri kỷ, nên mới tâm sự sâu sắc khi còn sơ giao, mong đừng trách.”
Hai người trò chuyện một hồi, rồi mới tạm biệt nhau.
Tiết Bạch bước vào Ngọc Chân Quan, quay đầu nhìn theo bóng lưng của Lý Thục, nghĩ đến những lời của Trương Đinh trước mặt Thánh Nhân, khẽ cau mày.
Hắn cảm thấy vị hoàng tôn này dạo gần đây có vẻ hơi tự do quá mức rồi.
-----------
*Bát vàng: trong quá khứ dùng để chỉ bát ăn của hoàng đế, theo truyền thuyết dân gian, ai sở hữu “bát vàng” sẽ có cuộc sống sung túc, không lo thiếu thốn. Ngày nay, “bát vàng” ám chỉ một công việc có đãi ngộ tốt, ổn định và bền vững, thường là công việc trong cơ quan nhà nước.
*Cung uyển: (uyển là vườn) là loại vườn cung điện phát triển từ thời Tần và Hán, dựa trên cơ sở của “囿” (khu săn bắn hoàng gia) xây dựng thêm các cung điện và công trình. Những khu vườn lớn này có diện tích rộng hàng trăm dặm, bao gồm các yếu tố truyền thống của “囿” với thảm thực vật tự nhiên, các loài chim thú hoang dã hoặc được nuôi dưỡng, nhằm phục vụ cho việc săn bắn và giải trí của các vị hoàng đế.
*Thải phóng sử: là một chức quan trong triều đại nhà Đường. Năm Khai Nguyên thứ 21, triều đình chia cả nước thành mười lăm đạo, mỗi đạo lập một chức quan gọi là “Thải phóng xử trí sử” viết tắt là “Thải phóng sử.” Chức vụ này chịu trách nhiệm kiểm tra các vụ án hình sự và giám sát quan lại ở các châu, huyện.
*Thiên Thu Tiết: là lễ mà Đường Huyền Tông theo đề xuất của đại thần Trương Duyệt, đã lập ra để kỷ niệm sinh nhật của mình vào ngày mùng 5 tháng 8 âm lịch hàng năm.
*"Lưu kim vũ mã hàm bôi văn bì nang thức ngân hồ" (鎏金舞马衔杯纹皮囊式银壶)
>lưu kim: mạ vàng.
>vũ mã hàm bôi văn: hoa văn hình con ngựa nhảy múa ngậm bát.
>bì nang thức: kiểu túi da.
>ngân hồ: ấm bạc.
*thanh sắc: tiếng nói, nét mặt, cử chỉ.
*hộc: đồ đong lường thời xưa, mười “đẩu” 斗 là một “hộc” 斛.
*dĩ văn hội hữu: kết bạn thông qua văn chương.
*quy phạm ngôn hành: hành xử, nói chuyện cho đúng mực.